Saturday , November 23 2024

Bão biển nhiệt đới (2) – mùa bão tại Việt Nam

Tần xuất bão

(a) Trên toàn cầu

Tính trung bình cho toàn cầu hàng năm có 80 cơn bão. Trên 50% số cơn bão toàn cầu xuất hiện ở bắc Thái Bình Dương (trong đó 38% ở tây Thái Bình Dương và

17% ở đông bắc Thái Bình Dương). Số bão ở Bắc Bán Cầu chiếm 73% số bão toàn cầu, phần còn lại của số lượng bão toàn cầu xuất hiện ở Nam Bán Cầu. Ở Nam Bán Cầu cực đại bão vào tháng 1, ở Bắc Bán Cầu vào tháng 8 và tháng 10.

Trên 50% số bão có quỹ đạo hình parabol nằm ngang hướng đỉnh về phía tây, ở Bắc Bán Cầu theo chiều kim đồng hồ còn ở Nam Bán Cầu ngược chiều kim đồng hồ. Một nửa còn lại có chuyển động hướng cực và các chuyển động dạng bất thường, có khi thắt nút nhiều lần.

Ảnh 1)   Quỹ đạo bão trên thế giới

Nguồn: United Nations Disaster Management Unit

(b) Tại vùng bắc Thái Bình Dương

Có hai trung tâm hoạt động của bão: một ở phía tây và một ở phía đông Thái Bình Dương.

– Trung tâm bão phía đông có tần số cực đại tới 303 cơn bão trong vòng 100 năm (1879 – 1988) trong dải từ 5 – 20 độ vĩ Bắc và tập trung vào khu vực sát bờ tây Trung Mỹ.

– Trung tâm hoạt động bão phía tây có tần suất cực đại nhỏ hơn so với trung tâm hoạt  động bão phía đông (230 cơn) nhưng mở rất rộng theo hướng kinh tuyến. Nhiều cơn bão di chuyển từ vĩ độ 10 – 15 tới vĩ độ 50 Bắc và tại đó không khí lạnh tràn vào xoáy thuận trước kia là bão, hệ thống front hình thành, bão trở thành xoáy thuận ngoại nhiệt đới. Như trường hợp cơn bão TIP ở miền tây Thái Bình Dương từ 5 – 20/10/1979.

Trong những năm chịu tác động của hiện tượng El Niño, do dòng nước nóng chuyển hướng nên các cơn bão ở bờ đông nước Mỹ giảm xuống, nhưng ở vùng giữa và bờ tây Thái Bình Dương thì lại tăng lên. Hiện tượng này ngược lại trong năm chịu tác động của La Niña.

(c) Tại vùng tây bắc Thái Bình Dương

Vùng tây bắc Thái Bình Dương là nơi duy nhất có thể có bão vào tháng bất kỳ trong năm. Có một hay hơn một cơn bão hình thành trong một tháng từ tháng III đến tháng XII và 70% bão trong thời kỳ 4 tháng từ tháng VII đến tháng X.

Khoảng 2/3 số bão đạt tới cường độ bão mạnh (typhoon). Phân bố theo mùa của tổng số áp thấp nhiệt đới và bão nói chung tương tự với phân bố của bão mạnh. Hơn 80% bão đạt tới trạng thái áp thấp và sau đó tăng cường thành bão mạnh.

(d) Tại Biển Đông

Số bão hình thành ở Biển Đông được đưa vào thống kê số bão của vùng tây bắc Thái Bình Dương. Trong năm bão có hai tần suất cực tiểu: một cực tiểu vào tháng 1 và cực tiểu thứ hai là vào tháng 5 liên quan với sự di chuyển của rãnh xích đạo. Năm nào tần suất hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới nhỏ, thì năm đó ít bão, chẳng hạn như năm 2004. Thời kỳ có điều kiện thuận lợi cho sự hình thành bão là từ giữa tháng VII đến giữa tháng XII và thuận lợi nhất là vào tháng IX, tháng có tần suất bão lớn nhất.

Khoảng 50% tổng số bão ở Biển Đông là từ miền tây Thái Bình Dương, số còn lại hình thành tại Biển Đông. Năm nhiều bão là 13 cơn, năm ít là 2 cơn.

Ảnh 2)   Số lần bão đổ bộ vào Việt Nam

Nguồn: United Nations Disaster Management Unit

(e) Bão ở Việt Nam

Bão ảnh hưởng đến Việt Nam từ tháng VI đến tháng XII.

Ảnh 3)   Thời gian xuất hiện bão ở Việt Nam

Nguồn: United Nations Disaster Management Unit

Tháng IX nhiều bão ảnh hưởng hơn cả, khoảng 2 cơn trong một tháng. Tháng V và tháng XII, từ 5 – 7 năm mới có một cơn bão. Tháng IV từ 10 – 15 năm bão mới xuất hiện một lần. Tháng I, II và III rất hiếm có bão.

Ảnh 4)   Số lượng áp thấp nhiệt đới và bão đổ bộ vào Việt Nam trong 53 năm (1945 to 1998)

Nguồn: United Nations Disaster Management Unit

Bão xuất hiện sớm ở Bắc bộ và về phía nam bão xuất hiện càng muộn hơn. Đường đi của bão dịch xuống phía nam cùng với dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) và dòng dẫn đường ở rìa phía nam của cao áp cận nhiệt Tây Thái Bình Dương.

nh 5)   Quỹ đạo bão trung bình nhiều năm ở Biển Đông và ven biển Việt Nam và vị trí trung bình của dải hội tụ nhiệt đới

(Nguồn: Alats khí tượng thuỷ văn Việt Nam, 1994)

Quỹ đạo bão ở vị trí nam thấp nhất là vào tháng V với tần suất bão rất nhỏ vào thời điểm bắt đầu mùa gió mùa tây nam và hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới.

Quỹ đạo trung bình của bão và dải hội tụ nhiệt đới đều liên quan với dòng khí tín phong phía nam và cực tây của áp cao cận nhiệt Tây Thái Bình Dương nên hai đường này có xu thế trùng nhau, nhất là vào tháng 9 khi bão có tần suất cực đại.

FB Thuyết minh du lịch

Content Protection by DMCA.com