Friday , April 19 2024

Báo cáo tổng kết đề tài KC08.29/06-10

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi bất thường của điều kiện thời tiết, khí hậu mà một trong số đó có thể là tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và sự nóng lên toàn cầu. Ở qui mô hành tinh, tác động này thể hiện rõ ở xu thế tăng của nhiệt độ bề mặt Trái đất, hiện tượng biến mất dần các lớp phủ băng ở hai cực Trái đất, trên các đỉnh núi cao, dẫn đến hiện tượng nước biển dâng và “biển tiến”. Ở qui mô khu vực, BĐKH đã tác động mạnh mẽ đến các thiên tai hiện hữu, với tính chất biến động mạnh hơn, cực đoan hơn, dị thường hơn, cả về tần suất và cường độ.

Báo cáo gồm Mở đầu, Kết luận, 9 chương nội dung, Tài liệu tham khảo và Phụ lục:

  • Trang bìa, mục lục, danh mục bảng biểu và hình vẽ
    Mở đầu
  • Chương 1: Tổng quan. Trong chương này sẽ tóm lược những công trình nghiên cứu tiêu biểu trên thế giới và trong nước liên quan đến các vấn đề mà đề tài sẽ thực hiện.
  • Chương 2: Phương pháp nghiên cứu và số liệu. Chương này trình bày về đối tượng và phạm vi nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu, các nguồn số liệu được sử dụng trong đề tài.
  • Chương 3: Nghiên cứu lựa chọn các mô hình khí hậu khu vực để mô phỏng, dự báo và dự tính điều kiện khí hậu cực đoan ở Việt Nam. Ở đây sẽ giới thiệu sơ lược về các mô hình khí hậu nói chung đồng thời mô tả chi tiết hơn về ba mô hình khí hậu khu vực sẽ được lựa chọn ứng dụng trong đề tài là RegCM, REMO và MM5CL. Ngoài ra hệ thống mô hình khí hậu toàn cầu kết hợp khí quyển – đại dương (CAM-SOM) cũng được giới thiệu.
  • Chương 4: Sự biến đổi của các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong chương này những kết quả nghiên cứu, khảo sát về mức độ, tính chất và xu thế biến đổi của một số yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam trong mối liên hệ với sự biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ được trình bày.
  • Chương 5: Dự báo hạn mùa các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam bằng phương pháp thống kê. Chương này trình bày những kết quả nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm các mô hình thống kê dự báo các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam. Các mô hình được sử dụng bao gồm: mô hình hồi qui tuyến tính nhiều biến (REG), mô hình phân lớp (FDA), mô hình mạng thần kinh nhân tạo (ANN) và mô hình ước lượng hồi qui xác suất sự kiện (REEP).
  • Chương 6: Ứng dụng các mô hình khí hậu khu vực để mô phỏng điều kiện khí hậu cực đoan ở Việt Nam. Ở đây trình bày những kết quả mô phỏng và đánh giá khả năng mô phỏng các trường khí hậu cơ bản trên khu vực Đông Nam Á và các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam của các mô hình khí hậu khu vực RegCM, REMO và MM5CL.
  • Chương 7: Ứng dụng mô hình khí hậu khu vực dự báo hạn mùa điều kiện khí hậu cực đoan ở Việt Nam. Trong chương này trình bày những kết quả thử nghiệm dự báo hạn mùa các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam bằng việc ứng dụng các mô hình khí hậu khu vực với điều kiện ban đầu và điều kiện biên là các trường dự báo toàn cầu của hệ thống mô hình kết hợp khí quyển – đại dương CAM-SOM.
  • Chương 8: Ứng dụng mô hình khí hậu khu vực dự tính điều kiện khí hậu cực đoan ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 21. Chương này trình bày những kết quả dự tính sự biến đổi của các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 21 bằng các mô hình khí hậu khu vực.
  • Chương 9: Giải pháp chiến lược ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam. Từ những kết quả nghiên cứu đã trình bày trong các chương trước, ở đây sẽ phân tích những nguyên tắc cơ bản trong ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và đề xuất một số giải pháp chiến lược ứng phó với sự biến đổi của các hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam.
  • Kết luận và kiến nghị
  • Tài liệu tham khảo
    Phần phụ lục

Có thể download các Phụ lục đi kèm tại đây.

Chú ý: Nếu sử dụng thông tin trong Báo cáo cần phải trích dẫn như sau:

Phan Văn Tân và CS, 2010: “Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam, khả năng dự báo và giải pháp chiến lược ứng phó”. Báo cáo Tổng kết Đề tài KC08.29/06-10. Bộ Khoa học và Công Nghệ.

Content Protection by DMCA.com