Saturday , November 23 2024

Bão biển nhiệt đới (1)

Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực trị. Ở Việt Nam, thuật ngữ “bão” thường được hiểu là “bão biển nhiệt đới”, là hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm chỉ xuất hiện trên các vùng biển nhiệt đới. Tuy thế, thuật ngữ này rộng hơn bao gồm cả các cơn dông và các hiện tượng khác hiếm gặp ở Việt Nam như bão tuyết, bão bụi, bão cát.

Bão biển nhiệt đới là hiện tượng gió mạnh kèm theo mưa rất lớn do có sự xuất hiện và hoạt động của các khu áp thấp khơi sâu. Đó là hệ thống khí áp thấp có đường đẳng áp khép kín gần tròn với gradient khí áp ngang và tốc độ gió rất lớn. Theo Atkinson (1971): “Bão là xoáy thuận quy mô synôp không có front, phát triển trên miền biển nhiệt đới hay cận nhiệt đới ở mực bất kỳ và có hoàn lưu xác định”.

Bão biển nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới.

1) Xoáy khí quyển

Là chuyển động quay của không khí xung quanh một trục nào đó, ví dụ xoáy nghịch, xoáy thuận, vòi rồng, lốc, v.v…

(a) Xoáy nghịch (Anticyclone)

Là vùng có đường đẳng áp tròn, khép kín, với khí áp cao nhất ở tâm (+). Gió thổi từ tâm Xoáy nghịch ra ngoại vi, theo chiều kim đồng hồ ở Bắc Bán Cầu (ở Nam Bán Cầu thì lại ngược chiều kim đồng hồ). Như vậy xoáy nghịch là một vùng áp cao có gió xoáy tản. Có xoáy nghịch có đường kính rộng lớn, cỡ hàng nghìn km, thường tĩnh tại và hoạt động thường xuyên hay theo mùa, ví dụ xoáy nghịch Hawaii. Có xoáy nghịch nhỏ, đường kính cỡ vài trăm kilômét, gió thổi mạnh, di động nhanh, nhưng dễ suy yếu hoặc tiêu tan, ví dụ một đợt gió mùa đông bắc.

Khi xoáy nghịch chuyển động, người ta quan sát thấy có các dòng không khí đi xuống trung tâm, vì thế thời tiết trong xoáy nghịch thường là thời tiết tốt, quang mây và khô ráo. Mùa hạ, thời tiết trong xoáy nghịch thường nóng và quang mây, còn mùa đông thì trời nắng kèm theo lạnh giá.

(b) Xoáy thuận (Cyclone)

Là vùng có đường đẳng áp tròn, khép kín, với khí áp thấp nhất ở tâm (−). Gió thổi từ ngoại vi vào tâm xoáy thuận, ngược với chiều kim đồng hồ ở Bắc Bán Cầu (ở Nam Bán Cầu thì lại theo chiều kim đồng hồ). Như vậy xoáy thuận là một vùng áp thấp có gió xoáy tụ. Có Xoáy thuận có đường kính rộng lớn, cỡ hàng nghìn ki-lô-mét, thường tĩnh tại và hoạt động thường xuyên hay theo mùa, ví dụ xoáy thuận Aleutian. Có xoáy thuận nhỏ, đường kính cỡ vài trăm kilômét, gió thổi mạnh, di động nhanh, nhưng dễ suy yếu hoặc tiêu tan, ví dụ áp thấp nhiệt đới, bão. Tâm xoáy thuận là nơi có trị số khí áp thấp nhất trong xoáy thuận, kéo theo sự hội tụ gió từ xung quanh thổi vào.

2) Xoáy thuận nhiệt đới

Xoáy thuận nhiệt đới là xoáy thuận cấu tạo bởi khối khí nóng ẩm và không có front.

Ban đầu bão là một vùng áp thấp với dòng khí xoáy vào tâm vùng áp thấp ngược chiều kim đồng hồ (ở Bắc Bán Cầu). Trong những điều kiện thuận lợi, vùng áp thấp này có thể khơi sâu thêm, gió vùng trung tâm mạnh lên trở thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là bão. Trong giai đoạn phát triển ổn định có thể thấy mắt bão, khu vực đường kính 30 – 40km với khí áp thấp nhất, lặng gió hay gió yếu. Do trong mắt bão có dòng giáng nên nhiệt độ ở đây cao hơn xung quanh, ít mây hay quang mây. Trên ảnh mây vệ tinh, màn mây trong bão trong giai đoạn đầu là sự tập trung của các đám mây tích và vũ tích lớn, sau một thời gian có thể các tập hợp mây tích này có thể tạo thành dải mây có dạng xoáy về phía trung tâm. Trong giai đoạn thuần thục mắt mới xuất hiện dưới dạng một hay hai chấm đen ở trung tâm bão.

Theo tốc độ gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm xoáy thuận nhiệt đới, tổ chức khí tượng thế giới (WMO: World Meteorological Organization) quy định phân loại thành:

2.1) Áp thấp nhiệt đới (Tropical depression)

Là xoáy thuận nhiệt đới với hoàn lưu mặt đất giới hạn bởi một hay một số đường đẳng áp khép kín và tốc độ gió lớn nhất ở gần vùng trung tâm từ 10,8 – 17,2 mét/giây (tức 39 – 62 km/giờ, cấp 6 – cấp 7).

2.2) Bão biển nhiệt đới (Tropical storm)

Là xoáy thuận nhiệt đới với các đường đẳng áp khép kín và tốc độ gió lớn nhất ở vùng gần trung tâm từ 17,2 mét/giây (63 km/giờ, cấp 8) trở lên.

(a) Bão mạnh (Severe Tropical Storm)

Khi có tốc độ gió vùng gần trung tâm từ 24,5 – 32,6 mét/giây (cấp 10 – cấp 11).

(b) Bão rất mạnh (Typhoon/Hurricane)

Khi tốc độ gió vùng gần trung tâm từ 32,7 mét/giây (118 km/giờ, cấp 12) trở lên.

(c) Siêu bão (Super typhoon)

Khi tốc độ gió vùng gần trung tâm mạnh hơn 241 km/giờ. Cơn bão với gió cấp Beaufort 12 đến 16 thì sử dụng thang bão Saffir-Simpson; có 5 loại: bão loại 1 có gió cấp Beaufort 12, bão loại 2 có gió cấp Beaufort 13, …

3) Thuật ngữ về bão

“Typhoon” được dùng trong vùng biển Đông và tây bắc Thái Bình Dương;

“Hurricane” trong vùng Đại Tây Dương;

“Tropical cyclone” trong vùng Ấn Độ Dương.

Thuật ngữ cấp bão ở Việt Nam

Bão ở Việt Nam phân thành các cấp:

– Áp thấp nhiệt đới (gió cấp 6, cấp 7).

– Bão thường (gió cấp 8, cấp 9).

– Bão mạnh (gió cấp 10, cấp 11).

– Bão rất mạnh (gió từ cấp 12 trở lên).

– Bão đổ bộ: là khi tâm bão đã đổ bộ vào đất liền.

– Bão tan: Là khi tâm bão đã suy yếu thành vùng thấp, sức gió mạnh nhất dưới cấp 6 (dưới 39km/h).

– Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão (hoặc áp thấp nhiệt đới) là vùng có sức gió mạnh từ cấp 6 trở lên do cơn bão (hoặc áp thấp nhiệt đới) đó trực tiếp gây ra.

FB Thuyết minh du lịch

Content Protection by DMCA.com