Bài này xin được gửi tới các bạn học sinh cuối cấp đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa Đại học, với mong muốn cung cấp cho các bạn thông tin đầy đủ hơn trước sự lựa chọn có ý nghĩa quyết định đến tương lai đang còn rất dài ở phía trước. Bài này cũng là một tư liệu để cho các vị phụ huynh đang trăn trở giúp con em mình lựa chọn cho một tương lai tươi sáng. Hy vọng viết bài này sẽ giúp các bạn sinh viên để cùng chiêm nghiệm và có thể đưa ra những lời khuyên tới các bạn sắp bước vào ngưỡng cửa đại học.
Bài viết này muốn nói đến một ngành Khoa học quan trọng đang hàng ngày đóng góp vào sự phát triển của đất nước cũng như đang làm đất nước khang trang đàng hoàng hơn. Một ngành dường như đang bị lãng quên trong suy nghĩ của các thí sinh đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa Đại học. Một ngành mà các bạn chỉ coi như một lựa chọn dự phòng, chỉ là nguyện vọng 2, nguyện vọng 3.
Đó là ngành gì vậy?
Vâng, nếu có ai hỏi đó là ngành gì vậy, thì nếu bạn trả lời được những câu hỏi sau thì bạn đã biết về nó rồi đấy. Bạn có biết ngành nào nghiên cứu về một sản phẩm xuất khẩu hàng năm chiếm hơn 20% lớn nhất nước ta không. Ngành này cũng đóng vai trò quan trọng trong bước khởi đầu quyết định việc xây dựng các nhà máy điện từ Bắc đến Nam. Ngành này nghiên cứu đến các hiện tượng tự nhiên xảy ra trên Trái Đất như sóng thần, động đất, núi lửa, bão lụt… để tìm ra cách hạn chế ảnh hưởng của chúng. Ngành này giúp cho cuộc sống thêm tốt đẹp hơn với bầu không khí luôn trong trong lành. Ngành này còn có mặt trong từng vật dụng mà bạn dùng hàng ngày. Vậy đó là ngành gì? Và tại sao nó lại bị lãng quên?
Ngành Khoa học Trái Đất (Các Khoa học về Trái Đất)
Đây là câu giải đáp các bạn ạ. Dầu khí luôn là sản phẩm xuất khẩu chiến lược mang lại cho Việt Nam hàng tỷ đô la – gần 100 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Các sản phẩm khí đã giúp thắp sáng bao nhiêu gia đình và đem lại hơi ấm và bữa ăn cho từng nhà. Một phần khá lớn trong công sức tạo ra các sản phẩm ấy là của các nhà địa vật lý, địa chất, … Để xây dựng thành công và bền vững các công trình thuỷ điện nghiên cứu địa chất luôn phải được thực hiện một cách công phu, kỹ lưỡng, ông trình xây dựng cần nghiên cứu nền móng, đó là công việc của nhà địa chất công trình. Dự báo bão lụt, thời tiết hàng ngày trách nhiệm của các nhà khí tượng thông báo. Các cảnh báo về động đất, sóng thần là đối tượng nghiên cứu của các nhà địa vật lý. Quy hoạch và cải tạo môi trường giúp một cuộc sống xanh sạch hơn là mục tiêu của nhà khoa học môi trường. Tìm ra nước sạch cho chúng ta hàng ngày là công trình của các nhà địa chất thủy văn. Gạch, gốm sứ là sản phẩm công của các kỹ sư địa hoá. Hai thắng cảnh lớn của Việt Nam là Hạ Long và Phong Nha đều được công nhận là kỳ quan địa chất địa mạo thế giới. Tất cả những ví dụ nêu trên đều liên quan đến một ngành, gọi chung là ngành Khoa học Trái Đất.
Tại sao lại bị lãng quên?
Với mỗi bạn học sinh, khi quan niệm các môn học chính thì chỉ có Toán, Lý, Hoá, Văn. Một số bạn đam mê thêm các môn Sinh học, Tin học hoặc Ngoại ngữ. Chắc chúng ta ít thấy bạn nào tỏ vẻ quan tâm đặc biệt đến môn Địa lý, môn duy nhất thuộc về Khoa học Trái Đất. Mặt khác, môn Địa lý này cũng mang tính chất của Địa lý nhân văn của Khoa học Xã hội nhiều hơn là môn Khoa học Tự nhiên như bản chất của nó. Như vậy, hầu như học sinh không hề được biết đến các ngành Khoa học Trái đất vốn rất thân thuộc với cuộc sống hằng ngày trong khi lại rành rẽ các khái niệm trừu tượng của toán học, các lý thuyết vật lý, các phản ứng hoá học luôn ở điều kiện lý tưởng. Đây là một trong những điều khác biệt rất lớn giữa nền giáo dục ở Việt Nam và nền giáo dục Âu Mỹ luôn cố gắng trau dồi các kiến thức trực quan và hữu ích trong đời sống hằng ngày đến các học sinh. Và một điều đáng buồn là với nhiều bạn học sinh chỉ biết con đường từ nhà đến trường mà không hề diễn ra xung quanh trong khi sẽ rất nhiều bạn nước ngoài đòi được bạn kể về Vịnh Hạ Long về Hội An vì đã được nghe đến và tò mò được đến thăm.
Chính vì sự hạn chế trong việc được tiếp thu các môn học về Khoa học Trái Đất nên lựa chọn thi vào ngành này luôn là rất thấp. Các ngành về Môi trường, Địa lý, Địa chất, Thổ nhưỡng, Khí tượng, Thuỷ văn, Hải dương học luôn cần người giỏi nhưng điểm chuẩn luôn ở mức thấp hơn các ngành Toán học, Vật lý, Hoá học, Sinh học. Mặc dù thực tế là các ngành Khoa học Trái Đất đang cần một nguồn năng lực dồi dào và hầu hết các sinh viên ngành này sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, nếu không nói là có khả năng kiếm được thu nhập cao như các ngành dầu khí, địa chất công trình… Vậy đâu là lý do để các bạn không chọn ngành Khoa học Trái Đất, nếu thật sự bạn có yêu thích về các môn khoa học tự nhiên. Sau đây la một số lý do:
+ Thiếu thông tin
Với bậc học phổ thông không có môn nào cụ thể về Các Khoa học về Trái Đất, thông tin về ngành học này luôn thiếu thốn và không đến được các bạn học sinh cuối cấp. Nhiều người vẫn nghĩ về các ngành này với đầy gian khổ, với lội suối, băng rừng, ba lô trên vai mà không biết rằng ngành Khoa học Trái Đất với ứng dụng rất rộng trong đó có những ngành như đá quý, nghiên cứu cổ sinh, địa mạo, thổ nhưỡng, môi trường cũng hết sức thú vị. Những ví dụ khác về Khoa học Trái Đất như ngành Viễn thám (Remote Sensing), Hệ thống thông tin địa lý (GIS) hoặc Địa Vật Lý (Địa chấn, Địa từ, Địa trọng lực) lại liên quan trực tiếp đến Tin học, Toán học và Vật lý ở chuyên môn rất cao, từ đó đóng góp rất nhiều cho sự phát triển lý thuyết lẫn ứng dụng cho các ngành cơ bản nói trên.
+ Sợ cái mới, sợ bắt đầu từ đầu
Khi nghe một cái ngành xa lạ, bạn không hề tưởng tượng ra được bạn cần hành trang gì để có thể học tập. Trong khi đó hầu như bạn nào cũng giỏi một môn “tủ” nào đó như Toán học, Vật Lý, Hoá học, Sinh học, Văn học, … để tự tin bước tiếp theo các ngành đó. Tuy nhiên, ngành Khoa học Trái đất cũng rất rất cần và luôn chứa sẵn các bài toán thực tiễn vô cùng thú vị, các vấn đề hóc búa của vật lý, các phương trình thục nghiệm của hoá học … Nếu bạn có đam mê trong các ngành kể trên thì đó là một lợi thế rất quan trọng để bạn chọn lựa và theo đuổi ngành khoa học ứng dụng như Khoa Học Trái Đất. Hãy tìm hiểu thực sự bạn muốn làm gì và chính điều đó sẽ giúp bạn chọn lựa cho mình một ngành phù hợp nhất.
+ Bạn bè mình chẳng ai vào ngành đó cả
Rất nhiều bạn lựa chọn ngành nghề theo bạn bè mà quên rằng đó là tương lai của mình. Hãy là người đứng đầu chứ đừng cố bám theo một thứ không phù hợp để rồi mình cứ phải luôn phải cố gắng để đuổi kịp mọi người ở những phương diện không phải là sở trường của mình.
+ Không có ai “quen biết” ngành đó cả
Bạn sẽ có rất nhiều cơ hội thực tập trong khi học tập, từ đó bạn có thể chứng tỏ năng lực và tìm cho mình một chỗ làm thích hợp về sau. Theo học ngành Khoa học Trái Đất có số lượng sinh viên nông thôn chiếm tỷ lệ cao. Hầu hết các bạn đều có những việc làm phù hợp.
Một số cơ sở đào tạo các Ngành Khoa học Trái Đất ở Việt Nam
– Trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội với thế mạnh trong các ngành về Địa kỹ thuật, Địa chất thuỷ văn, Địa chất công trình, các ngành liên quan đến khai khoáng. Ngoài ra trường có một phân hiệu ở TP. Vũng Tàu chuyên về Địa chất dầu khí.
– Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội với đầy đủ các ngành của Khoa học Trái Đất ở các khoa Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng – Thuỷ văn – Hải dương học. Đây là trung tâm đào tạo cơ bản về ngành này tốt nhất ở Việt Nam với nhiều giáo sư đầu ngành.
– Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG TPHCM cũng có các ngành đào tạo về Khoa học Trái Đất. Có thế mạnh về các ngành về Môi trường.
– Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM – ĐHQG TPHCM cũng có các ngành đào tạo về Khoa học Trái Đất, có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu.
– Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế với 03 ngành đào tao: Địa chất, Địa chất công trình-Địa chất Thủy văn, Địa lý (gồm 02 chuyên ngành: Địa lý Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Viến thám” là đơn vị đào tạo duy nhất về các ngành Khoa học Trái đất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Thay lời kết
Chúng ta cần biết lựa chọn những ngành thích hợp nhất với sở thích và năng khiếu của mình. Nếu như tất cả đều không cần biết mình thích gì, mình có sở trường gì mà cứ chạy theo suy nghĩ của người khác, nếu như tất cả đều đi trên một con đường mòn, cùng làm theo khuôn mẫu định sẵn mà không cần biết điều đó có phù hợp với mình hay không. Và như vậy cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao!
Hãy tự khám phá khả năng của mình, và tự quyết định về hướng đi cho tương lai. Chúc tất cả các bạn thành công và may mắn.
Theo VnGG (có chỉnh lý và bổ sung).